Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

CON NHÀ NHO CŨ - Tản văn của Việt Anh

 

“Con nhà nho cũ...”

Việt Anh 

Một chiều cuối đông, e-mail ở Hà Nội nhận được đôi dòng ngộ nghĩnh: Em là một con gái rất thú vị. Bối cảnh gia đình em thế nào nhỉ? Điều thú vị, không vì mình được khen, mà chính bởi người viết những dòng thư ấy. Đó là người phụ nữ được sinh ra ở một phương trời khác, đang sống ở một châu lục khác, nhân duyên thế nào mà những năm chín mươi của thế kỷ trước, từng viết nên một luận án về Việt Nam. Công trình ấy, kể đến nay, cũng đã trình làng tới chục năm. Tên của chị, nếu đặt vào dấu ngoặc kép mà lướt web mạng Google, sẽ tìm thấy 953 kết quả; khi tìm trên mạng MSN, kết quả được tới 1030. Về vùng đất Việt có những người từ thủa mang gươm cất bước, chị từng viết rằng, là nơi hữu Phật phi Nho, có Phật giáo mà vắng đạo Nho. Để rồi, cuối năm 2007 mới rồi, chị trở lại Hà Nội với một nghiên cứu rằng, mối giao lưu tay ba về buôn bán thư tịch giữa Việt Nam với Trung Quốc, Nhật Bản, thể hiện ở ba thương cảng là Phố Hiến (Hưng Yên, Việt Nam), Ninh Ba (Triết Giang, Trung Quốc) và Nagasaki (đất Trường Kỳ của Nhật Bản) là một cơ sở của việc phát triển Nho giáo ở Việt Nam. Bấm tay mà tính, cũng đã hai thế kỷ, những tơ vương với Nho giáo dường như là một trong nhiều lẽ đưa chị trở đi trở lại với nước Nam này. Lần nào cũng vậy, vượt đại dương, vẫn kiểu mũ rộng vành hao hao cao bồi nước Mỹ, từa tựa vẻ phớt Ăng-lê, từ tốn và nhanh, trầm và cởi mở, chị không có vẻ gì bị chao đảo bởi độ lệch múi giờ, khoảng cách không gian hay dòng chảy sự kiện.

Hơn sáu mươi năm trước, khi ban mai của một thời mới vừa lấp ló, sóng gió buổi canh tân xoay vần, có đôi người anh em xuất thân giữa giấy bản mực tàu, cũng nắm tay nhau hẹn câu con nhà nho cũ không say sóng đời điềm tĩnh như thế. Cái dòng dõi nho học vốn bị cho là cũ, đã không thể ràng buộc bước chân sải dài về phía trước, để trong số họ, một người còn mãi những câu thơ nói hộ muôn lòng, một người nữa không vì năm tháng chất chồng, không than sinh bất phùng thời, vẫn mài sắc mũi dùi Mao Toại. 

Một chữ Nho ấy, có sức mạnh gì giúp người ta không cũ, có sức hút gì mà đến tận thế kỷ XXI này, vẫn có những cuộc nghiên cứu thu hút bao nhiêu con người từ các vùng châu lục[1]. Được kết hợp từ hai chữ Hán là nhân (con người) và nhu (nhu cầu) hoặc như người Nhật Bản quen viết, nhân (con người) với văn (văn hóa), có thể giả thuyết chăng, chữ Nho thể hiện nhu cầu của con người đối với xã hội, hay là người đáp ứng được nhu cầu của xã hội, cả hai đều thuộc về văn hóa của con người. Diễn đạt theo cách hiểu ngày nay, chữ Nho bao gồm mối quan hệ hai chiều giữa hai đối tượng là con người và xã hội (cộng đồng). Trong mối quan hệ này, hai bên tương tác về trách nhiệm và quyền lợi, cần đóng góp cho nhau và cần tạo cho nhau hưởng thụ; nói cách khác, cá nhân và cộng đồng đều cần có năng lực đáp ứng đòi hỏi của nhau. Để có thể đáp ứng, cốt yếu là hiểu và dùng được chữ Thời. Thế nào là Thời? Kể riêng nửa đầu thế kỷ XVIII, theo nghiên cứu của chị, thương gia nước ngoài (cả khu vực và châu Âu) rất mãn nguyện vì mua được từ Hội An (Quảng Nam) những đặc sản đáng giá như hồ tiêu, kỳ nam đưa ra thương trường quốc tế. Ngẫu nhiên ư, cùng thời gian đó, gia phả của dòng họ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705 - 1746) ở làng Giai Phạm (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ngày nay) cho biết, khi sinh sống ở đất Chương Dương (huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây ngày nay), người phụ nữ tài sắc này đã dùng loại vải da la[2] làm những chiếc túi đeo bên mình. Thứ vải da la ấy, có thể là drap, một loại vải dạ, được nhập vào từ các tàu thuyền ngoại quốc, có thể là tàu Hà Lan cập bến sông Hồng chăng? Tháng Chín mới đây, một nghiên cứu hợp tác giữa Hà Lan và Việt Nam đã giới thiệu công trình Sư tử và Rồng: Bốn thế kỷ Hà Lan và Việt Nam[3]. Không biết, các tác giả sách ấy có đồng ý rằng, một cách dụng chữ Thời khi ấy, là bán cho khách hàng hóa họ cần và mua cho mình những gì mình muốn. Thì cũng chính là chị, đã dẫn nguyên văn một câu lục bát đan xen hơi thở người dân Việt dưới biển trên rừng, đậm tính thương mại đúng như chủ đề mà chị ưa tìm hiểu, trong bản in tiếng Anh: 

Ai về nhắn với nậu nguồn 
Măng lê  gửi xuống, cá chuồn gửi lên. 

Xin lỗi chị, nên là măng le[4], có phải không? Chắc rằng, chị sẽ đáp là Vâng. Vâng là lời thường trực mở đầu khi chị nói và lắng nghe, cũng là thói quen của nhiều người từ muôn dặm đến, về và trở lại với Việt Nam mà tôi gặp. Nghĩ bụng, cách nói o.k nghe có vẻ sành điệu, phớt đời trong tiếng Anh đã được chuyển ngữ trở nên khiêm nhường vào tiếng Việt. Ngay trên những chuyến autocar rong ruổi từ Malaysie sang xứ sở tô tem Sư Tử Biển, du khách, mỗi người một ý thích, một đòi hỏi khác nhau, đều mát lòng vì người hướng dẫn bản địa luôn bắt đầu giải pháp bằng lời thưa Vâng đó. Tôi cũng vậy, đã thầm thấy lạ khi mình huyên thiên ra vẻ, vẫn được chị chăm chú nghe và vâng nghiêm cẩn. Không phải một mình tôi biết rằng, chị đã và đang hướng dẫn nhiều nhà nghiên cứu khác. Vì thế, câu hỏi có phải không? cũng sẽ thường xuyên được đặt ra khi cùng chị chuyện trò. Tôi được quyền, vì có quá nhiều những điều mình chưa biết mà tưởng mình rõ lắm, sẽ tha hồ trình bày hay thắc mắc. Cũng nên sẵn sàng, thỉnh thoảng, thay vì được trả lời, tôi được hỏi ngược lại Vậy bạn nghĩ sao? 

Cái thắc mắc đầu tiên, tôi đã rất muốn hỏi chị ngay, là tại sao chị hay trả lời tôi không biết trong những cuộc đối thoại mà tôi chứng kiến. Có thể vì kiến thức của người đặt câu hỏi đã thể hiện quá đầy đủ? Có thể vì không ai biết hết mọi sự đời? Rồi tôi không hỏi nữa, vì không còn thắc mắc, mà ngày càng thú vị; trong tôi có một điều vững tin, tôi không biết có nghĩa là tôi muốn biết nữa và sẽ phải biết nữa. Trách nhiệm với câu trả lời, chị ơi, có phải không? 

Khoảng mười năm lại đây, trên trang web chính thức của nhiều địa phương trong nước, nhận xét từ trong nghiên cứu của chị được trích dẫn khá nhiều. Đến nỗi, khi có điều muốn hỏi, tôi luôn ngại ngần mà nghĩ đi nghĩ lại xem liệu thật sự cần hỏi nữa hay không. Một thập kỷ rồi, sau khi công bố thêm những nghiên cứu nữa, biết đâu, nhận thức của người viết cũng đã khác đi. Vả lại, trong lời tri ân ở đầu ấn phẩm, tác giả đã thẳng thắn: luận án này có thể vẫn còn những thiếu sót và sai lầm, chúng hoàn toàn do tôi chịu trách nhiệm. Mới đây thôi, giữa ngổn ngang tư liệu trong bài viết, cả Trung văn xen với Anh văn, mà chị rộng lòng gửi, có một ý, như là chị tự nhắc mình, mà tôi cũng xin được nhớ để tự nhắc bản thân, đại ý: chúng ta đã biết, kiến thức lịch sử được ghi chép lại chỉ là một phần rất  nhỏ của lịch sử... 

Tôi muốn học từ chị, không chỉ tiếng vâng trước mỗi lời nói, không chỉ sự thẳng thắn tôi không biết cho mỗi vấn đề. Cử chỉ chắp hai tay trước ngực nghiêng mình đáp lễ của những người từng đi ngược gió, từng vượt nhiều sóng hơn tôi, như chị, cũng làm tôi xúc động đến bối rối, không biết phải làm sao. Một buổi sáng cuối đông không xa, lúc chị đã rời khỏi Việt Nam, khi một chút cốm làng Vòng thay lời biết ơn không nói hết, tôi lại rơi vào tâm trạng ấy, trước cử chỉ ấy, của một người tóc bạc, sử gia Nguyễn Thế Anh, Viện trưởng Viện Đại học Huế năm nào. Đã được tham khảo thư mục phê bình đầy ắp tư liệu về quan hệ Việt Nam và phương Tây được phát hành tận từ năm 1967[5], để cảm ơn lại tác giả, biết nên biểu lộ thế nào. Ấm áp và giản dị, ông có nhắc đến chị - Li Tana. Bừng hiểu ra, cùng với nghiên cứu về giao thương thư tịch, gặp gỡ với ông và chị chính là cơ hội góp nhặt tri thức để giao thương. 


Rồi xuôi ngược là thường, đến đi hợp lẽ. Mùa đang xích lại gần xuân. Ai cũng hối hả về tổ ấm. Bóc lịch tây, tính lịch ta, đón hai giao thừa Dương và Âm ở quê mình, hướng xuống biển nam, trông sang trời tây, ở đó, năm nay, chắc cũng có người đón hai lần Tết. Dương lịch để hòa nhập, Âm lịch để nhớ cội nguồn. Ngóng phi cơ bay về hai hướng khác, tự thấy mình góc bể chân trời. Chỉ biết gửi câu Kiều, Gìn vàng giữ ngọc.... Nâng tờ lịch đỏ au cả dòng chữ quốc ngữ tinh khôi và hàng chữ Nho vuông vắn, chợt nhớ câu thơ trước: 

Con nhà nho cũ lại đi[6]
Huống chi, với những người tôi quen, kể cả cố nhân, con nhà nho mà chắc gì đã cũ. 

Việt Anh



[1] Ví dụ: Hội thảo quốc tề về Nho giáo ở Việt Nam vào tháng 11/2007, do Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Việt Nam) và Viện Havard-Yenching Hoa kỳ phối hợp tổ chức.
[2] Hai chữ này, theo nhà nghiên cứu Bùi Hạnh Cẩn, cũng có thể đọc là đa la.
[3] Nguyên văn bằng tiếng Hà Lan là Leeuw en Draak: Vier eeuwen Nederland en Vietnam, University of Amsterdam. Trong tương lai gần, sẽ có bản tiếng Anh và tiếng Việt của công trình này.
[4] Măng le là loại măng rừng trổ từ cây trúc, cây tre, đặc ruột, người trên núi đem bóc vỏ già, luộc rồi xỏ thành xâu, bán xuống vùng xuôi. Măng le mọc nhiều ở vùng núi Cà Lúi, Sông Hinh, Phú Yên. Mùa măng này cũng thường trúng vào mùa cá chuồn có nhiều như ở vùng Gành Đỏ, Tuy Hòa, Phú Yên (theo muivi.com).
[5] Bibliographie critique sur les relations entre le Vietnam et l’Occident, Paris, Nxb. Maisonneuve & Larose.
[6] Cẩn bút: một số câu chữ in nghiêng là phần được trích ra từ bài thơ Con nhà nho cũ của nhà thơ Nguyễn Bính gửi một người anh họ ở thôn Vân.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét